Bối cảnh chính trị Chiến tranh Boshin

Bất mãn với Mạc phủ

Bài chi tiết: Mạc mạt

Mặc dù suốt hai thế kỷ trước năm 1854, Nhật Bản giới hạn nghiêm ngặt việc giao thương với người nước ngoài, điều này không có nghĩa là ngoại thương hoàn toàn chấm dứt. Người Nhật vẫn buôn bán với nhà Triều Tiên thông qua đảo Tsushima (Đối Mã), nhà Thanh qua quần đảo Nansei (Nam Tây Chư đảo) và Hà Lan qua thương điếm Dejima (Xuất Đảo), một hòn đảo nhân tạo nằm ngoài khơi cảng Nagasaki. Nhờ sự tiếp xúc với người Hà Lan, các nghiên cứu khoa học của phương Tây vẫn tiếp tục được tiếp thu trong thời kỳ này với cái tên "Lan học" (rangaku), cho phép người Nhật học hỏi và làm theo phần lớn các bước của Cách mạng khoa họcCách mạng công nghiệp.[3]

Năm 1854, Phó đề đốc Hải quân Hoa KỳMatthew C. Perry mang một hạm đội 9 chiếc tàu chiến tới buộc Nhật Bản mở cửa, chấm dứt thời kỳ bế quan tỏa cảng. Nhưng người Mỹ đã bắt chính quyền Mạc phủ ký một hiệp định buôn bán bất bình đẳng. Tiếp đó, các nước như Anh, Hà Lan, Pháp, Nga,... cũng đua nhau tới và ép Mạc phủ ký các hiệp ước tương tự. Việc mất đi một loạt chủ quyền quốc gia khiến Nhật Bản đứng trước cuộc khủng hoảng dân tộc và điều này gây bất mãn trong quần chúng nhân dân. Mạc phủ sớm đối mặt với sự thù địch ở trong nước, được cụ thể hóa thành phong trào bài ngoại "Tôn vương, nhương di", tức nâng cao uy tín Thiên hoàng, đánh đuổi người ngoại quốc ra khỏi xứ sở. Các Phiên ở vùng Tây Nam Nhật Bản - vốn từ lâu bất mãn với Mạc phủ - đã nhân cơ hội này đi rêu rao khắp nơi rằng chính quyền Mạc phủ câu kết với người nước ngoài, bán đứng chủ quyền quốc gia; mưu dùng chiêu bài "Tôn hoàng, nhương di" để lật đổ chế độ Mạc phủ.[4][5]

Kanrin Maru, tàu chiến hơi nước chạy chân vịt đầu tiên của Nhật, năm 1855. Mạc phủ hăng hái theo đuổi quá trình hiện đại hóa, nhưng đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng ở trong nước chống lại mối nguy với chủ quyền quốc gia vì các mối liên hệ với phương Tây.

Thiên hoàng Kōmei ủng hộ xu thế này, và - phá vỡ truyền thống hàng thế kỷ của Hoàng gia - bắt đầu giữ vai trò chủ động trong công việc triều chính: khi cơ hội đến, ông phản đối lại các hiệp ước và cố can dự vào việc nối ngôi Shōgun. Đỉnh cao nỗ lực của ông là vào tháng 3 năm 1863 với "Nhương di sắc mệnh". Mặc dù Mạc phủ không có ý thi hành chiếu chỉ, điều này sau này lại hại chính Mạc phủ và người nước ngoài ở Nhật: sự kiện nổi tiếng nhất là việc thương nhân Charles Lennox Richardson bị sát hại, và cái chết của ông đã khiến Mạc phủ phải trả tiền bồi thường lên đến 100.000 bảng Anh.[6] Những cuộc tấn công khác bao gồm việc bắn phá tàu ngoại quốc tại Shimonoseki.[7]

Trong năm 1864, những hành động này bị các thế lực ngoại quốc đáp trả dữ dội, ví dụ như vụ bắn phá Kagoshima của Anh và bắn phá Shimonoseki của liên quân các nước. Cùng lúc, quân đội Chōshū, cùng với những ronin bài ngoại, tiến hành cuộc nổi loạn Hamaguri cố chiếm thành phố Kyoto, nơi triều đình Thiên hoàng đóng, nhưng Shōgun tương lai là Tokugawa Keiki dẫn đầu đội quân chinh phạt và đánh bại họ. Vào lúc này, sự kháng cự trong giới lãnh đạo ở Chōshū cũng như triều đình giảm xuống, nhưng vài năm sau, gia tộc Tokugawa không thể kiểm soát được toàn bộ đất nước nữa khi mà phần lớn các daimyō bất tuân các mệnh lệnh và yêu cầu từ Edo.[8]

Trợ giúp quân sự

Quân đội thời Mạc mạt gần núi Phú Sĩ năm 1867. Tranh do sĩ quan Pháp Jules Brunet vẽ thể hiện sự kết hợp của quân trang cả Nhật Bản và phương Tây.

Bất chấp vụ bắn phá Kagoshima, phiên Satsuma trở nên thân thiết với nước Anh hơn và theo đuổi việc hiện đại hóa lục quân và hải quân nhờ sự trợ giúp của họ.[9] Nhà buôn người ScotlandThomas Blake Glover bán một số lượng lớn tàu chiến và súng ống cho các tỉnh miền Nam.[10] Các chuyên gia quân sự Anh và Hoa Kỳ, thường là các cựu sĩ quan, có thể đã trực tiếp tham gia các trận đánh.[11] Đại sứ Anh Harry Smith Parkes ủng hộ quân đội chống Shōgun trong nỗ lực lập nên một Đế triều hợp pháp và thống nhất Nhật Bản, và để chống lại ảnh hưởng của người Pháp với Mạc phủ. Trong thời kỳ đó, các lãnh đạo phía Nam Nhật Bản như Saigō Takamori ở Satsuma, hay Itō HirobumiInoue Kaoru ở Chōshū luôn chú tâm đến quan hệ cá nhân với các nhà ngoại giao Anh, đáng chú ý có Ernest Mason Satow.[12]

Mạc phủ cũng chuẩn bị cho các cuộc giao tranh quyết liệt hơn bằng đội quân hiện đại của mình. Người Anh, sau đó là đối tác quan trọng của Mạc phủ, rất miễn cưỡng trong việc cứu viện.[13] Mạc phủ Tokugawa do đó dần dựa chủ yếu và các chuyên gia Pháp, một phần còn vì uy thế quân sự của Napoléon III vào thời đó qua các cuộc Chiến tranh KrymChiến tranh Pháp-Áo.[14] Mạc phủ tiến những bước dài trong công cuộc xây dựng quân đội hiện đại và hùng mạnh: hải quân với cốt lõi là hạm đội 8 tàu chiến hơi nước được đóng trong vài năm trước đó và thực sự là hạm đội hùng mạnh nhất châu Á.[15] Năm 1865, kho đạn hải quân hiện đại đầu tiên của Nhật được kỹ sư Pháp Léonce Verny xây dựng tại Yokohama. Tháng 1 năm 1867, một phái đoàn quân sự Pháp đến để tổ chức lại quân đội Mạc phủ và thành lập đội quân tinh nhuệ, và một đơn đặt hàng được gửi đến Hoa Kỳ để mua tàu chiến bọc thép do Pháp đóng CSS Stonewall,[16] di tích từ thời Nội chiến Hoa Kỳ. Theo tuyên bố trung lập của các nước phương Tây, Hoa Kỳ từ chối nhượng lại con tàu, nhưng một khi sự trung lập bị bỏ qua, quân triều đình có được con tàu này và sử dụng nó trong trận chiến Hakodate dưới cái tên Kōtetsu (Thiết giáp).[17]

Đảo chính quân sự

Tokugawa Keiki trong quân phục Pháp, năm 1867

Sau cuộc đảo chính nội bộ và cuộc nổi loạn cách tân của phiên Chōshū bị Mạc phủ cử quân viễn chinh dẹp tan, phiên Chōshū bí mật liên minh với phiên Satsuma. Tuy vậy, cuối năm 1866, đầu tiên là Shōgun Iemochi và sau đó là Thiên hoàng Kōmei qua đời, KeikiThiên hoàng Minh Trị kế vị. Những sự kiện này tạo ra "một xu thế không thể tránh khỏi".[18] Ngày 9 tháng 11 năm 1867, mật chỉ của chính quyền Thiên hoàng Minh Trị truyền xuống hai phiên Satsuma và Chōshū lệnh rằng "giết tên phản bội Keiki".[19] Tuy vậy, trước đó, theo đề xuất của daimyō Tosa, Keiki từ nhiệm và trao trả quyền lực cho Thiên hoàng, đồng ý trở thành "công cụ thực thi" mệnh lệnh của Hoàng gia.[20] Mạc phủ Tokugawa chấm dứt.[21]

Quân đội Satsuma phá hủy dinh thự Satsuma ở Edo.

Trong khi việc Tokugawa Keiki từ ngôi chỉ tạo ra một khoảng trống trên danh nghĩa trong thượng tầng quyền lực, bộ máy phức tạp dưới quyền ông vẫn tồn tại. Hơn nữa, chính quyền Mạc phủ, đặc biệt là họ Tokugawa vẫn là thế lực chính trị hùng mạnh và vẫn còn bảo lưu được nhiều đặc quyền.[22], một viễn cảnh khó khăn mà hai phiên Satsuma và Chōshū không thể chịu đựng được[23] Mọi chuyện bùng nổ vào ngày 1 tháng 3 năm 1868 khi hai phiên này chiếm lấy Hoàng cung ở Kyoto, và ngày sau đó dàn xếp để Thiên hoàng mới 15 tuổi Minh Trị tuyên bố phục hồi quyền lực của mình. Mặc dù đa phần hội đồng cố vấn Hoàng gia đồng tình với việc phục hồi sự trị vì trực tiếp của triều đình và định ủng hộ việc tiếp tục hợp tác với gia tộc Tokugawa (dưới cái gọi là "Công nghị chính thể phái" (公議政体派, "Công nghị chính thể phái"? kōgiseitaiha), Saigō Takamori ép hội đồng phải bãi bỏ tước hiệu "Shōgun" (Chinh di Đại tướng quân) và ra lệnh tịch thu đất đai của Keiki.[24]

Mặc dù ban đầu ông đồng ý với yêu sách này, nhưng vào ngày 17 tháng 1 năm 1868 Tokugawa Keiki tuyên bố rằng "ông sẽ không chịu sự trói buộc của lời tuyên bố phục hồi uy quyền của Thiên hoàng và kêu gọi triều đình hủy bỏ nó".[25] Ngày 24 tháng 1, Keiki quyết định chuẩn bị tấn công Kyoto, vốn bị quân đội Satsuma và Chōshū chiếm. Quyết định này là do bài học của chính ông về hàng loạt vụ đốt phá ở Edo, bắt đầu bằng việc đốt các công sự phụ của thành Edo, nơi ở chính của gia tộc Tokugawa. Vụ này bị quy cho các ronin của phiên Satsuma, những người ngày hôm đó tấn công các công sở của chính quyền. Ngày hôm sau, quân đội Mạc phủ đáp trả bằng cuộc tấn công và dinh thự của daimyō Satsuma, nơi rất nhiều người chống lại Mạc phủ, dưới sự chỉ huy của Takamori, đang lẩn trốn và gây ra sự náo loạn. Dinh thự bị đốt trụi và rất nhiều người đối lập bị giết hay sau đó bị xử tử.[26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến tranh Boshin http://page.freett.com/sukechika/ship/ship02.html http://kproxy.com/servlet/redirect.srv/szjl/sqczih... http://homepage3.nifty.com/naitouhougyoku/sub55.ht... http://jpimg.digital.archives.go.jp/kouseisai/cate... http://www.eonet.ne.jp/~chushingura/p_nihonsi/epis... http://www.ne.jp/asahi/minako/watanabe/byakkoeng.h... http://www.history.navy.mil/photos/sh-us-cs/csa-sh... http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/4789905.st... http://books.google.com.vn/books?id=9pePrUSs7kMC&p... http://books.google.com.vn/books?id=TKXn0IQBKCcC&p...